22/12/2024 15:05:01
Lượt xem: 364
(TITC) - Mới đây, đoàn khảo sát sản phẩm du lịch do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức đã có dịp trải nghiệm những vũ điệu xoang làm đắm say lòng người trong chương trình “Không gian Đắk Hà ngày mùa” tại tỉnh Kon Tum.
Tây Nguyên không chỉ nổi tiếng là thủ phủ cà phê của Việt Nam mà còn bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nền văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng chung sống. Đặc biệt, những vũ điệu cồng, chiêng, xoang kết hợp với những điệu múa dân gian đặc sắc đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận, phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Đoàn nghệ nhân huyện Đắk Hà chào đón đoàn khảo sát. Ảnh TITC
Kon Tum là một phần của Tây Nguyên, mới đây đã tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan Cồng, Chiêng, Xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024 để quảng bá văn hóa, mảnh đất, con người Kon Tum. Đến với Kon Tum, du khách có thể cùng nhau hòa mình trong không gian văn hóa cồng chiêng đậm đà bản sắc, để được sống trong những nhịp điệu xoang nhẹ nhàng mà quyến rũ. Đoàn khảo sát sản phẩm du lịch do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức đã đến Kon Tum dịp này có dịp trải nghiệm những vũ điệu xoang làm đắm say lòng người trong chương trình “Không gian Đắk Hà ngày mùa”.
Bà Phạm Thị Thương, Phó Chủ tịch UBND Huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết, cồng chiêng xoang được truyền dạy tự nhiên, giữa các thành viên trong bản làng. Mỗi thành viên nhìn nhau, theo nhau học nhảy, múa, học từ bé. Múa cồng chiêng xoang gắn bó suốt cả vòng đời của người Ba Na, là nhịp nối giữa quá khứ và hiện tại. Múa cồng chiêng xoang gắn với hầu hết các hoạt động mang tính cộng đồng, từ ngày mùa, gieo hạt, thu hoạch, đến vui hội… Động tác múa giản dị với những bước đi nhẹ nhàng, phản ánh lại cuộc sống lao động hàng ngày như đốt lửa, chặt gỗ, gieo hạt…
Vũ điệu cồng chiêng xoang không còn đơn thuần là những điệu múa sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà đã trở thành lời mời gọi du khách đến với buôn làng. Ảnh TITC
Trong tiếng cồng chiêng âm vang nhẹ nhàng, trong vũ điệu dặt dìu chào đón du khách, lời dẫn của cán bộ Trung Tâm Văn Hóa huyện Đắk Hà vang lên. Múa xoang là một vũ điệu cộng đồng, ai cũng có thể tham gia, từ trẻ nhỏ đến người già. Những điệu múa thường được trình diễn trong các dịp lễ hội, khi tiếng cồng chiêng vang lên, kéo mọi người hòa mình vào không gian văn hóa. Tiếng chiêng nhỏ, chiêng to, cồng con, cồng mẹ hòa vào nhau, như mưa như gió. Lúc nghe nhẹ như nước chảy, lúc nghe êm dịu như gió chiều, lúc nghe ầm ầm như thác đổ, như sấm rền tháng tám. Đánh to, tiếng chiêng luồn vào rừng sâu, bò lên núi cao. Đánh chậm, tiếng chiêng trườn trên đồng cỏ. Thú rừng quên ăn, quên uống, ngẩng đầu nghe tiếng chiêng…
Du khách chụp ảnh cùng đoàn nghệ nhân cồng chiêng xoang huyện Đắk Hà. Ảnh TITC
Âm thanh rộn rã, vang vọng của những nhạc cụ cồng chiêng xoang như thổi hồn vào từng bước nhảy, giữ vững nhịp điệu cho đội hình múa. Trong cái không gian “Không gian Đắk Hà ngày mùa” ấy, những chuyển động tinh tế, linh hoạt của những nghệ nhân, của đồng bào Ba Na Đắk Hà như lôi cuốn, mời gọi đoàn khảo sát cùng hòa nhập với văn hóa địa phương. Và những nghệ nhân ấy đã làm tốt hơn hết thảy, đã tạo được sức hút lan tỏa với văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Họ đã nâng niu, gìn giữ nét văn hóa cồng chiêng của buôn làng, chia sẻ lan tỏa vượt ra ranh giới buôn làng. Để những vũ điệu cồng chiêng xoang không còn đơn thuần là những điệu múa sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong buôn làng mà cao hơn, trở thành lời mời gọi du khách đến với buôn làng, đến với những nét văn hóa mộc mạc, đến với những con người đầy lòng mến khách nơi đây.
Một số hình ảnh trình diễn cồng chiêng xoang trong buổi đón tiếp đoàn khảo sát của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam do đoàn nghệ nhân huyện Đắk Hà - Kon Tum biểu diễn:
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: cồng chiêng xoang , đón khách, đắk hà, kon tum, rộn ràng , nghệ nhân , di sản , unesco , văn hóa
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60257
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam