23/12/2024 10:02:58
Lượt xem: 383
(TITC) - Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh” tổ chức ngày 21/12 vừa qua.
Kinh tế di sản tạo động lực đột phá cho nền kinh tế
Hội thảo do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết và xác đáng cho đề cao việc phát triển kinh tế di sản nói chung và phát triển kinh tế di sản Quảng Ninh bền vững nói riêng.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, các di sản văn hóa và thiên nhiên thời gian qua đã phát huy vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng các di sản góp phần lan tỏa sức mạnh mềm Việt Nam với bạn bè quốc tế; đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Kinh tế di sản tạo động lực đột phá cho nền kinh tế. Ảnh : TITC
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng, hiện nay, phát triển kinh tế di sản dựa trên khai thác các giá trị của di sản văn hóa đang ngày càng được chú trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, việc phát triển di sản ở nước ta đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng hiệu quả từ kinh tế di sản chưa thật sự khai thác hết tiềm lực của những di sản hiện có. Việc khai thác các di sản văn hóa với tư cách là một nguồn lực phát triển đang trong tình trạng thiếu kiểm soát nghiêm trọng, có di sản bị bỏ sót, cũng có những di sản bị khai thác quá mức. Trong khi đó kinh tế di sản đang được coi là động lực mới, tạo sự đột phá cho nền kinh tế, nâng cao vị thế của địa phương và quốc gia.
Để phát triển kinh tế di sản, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho rằng cần tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ và quản lý di sản văn hóa; hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chế nội dung liên quan đến kinh tế di sản. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước cấp trung ương với chính quyền địa phương; sáng tạo các sản phẩm dịch vụ văn hóa mang tích đặc trưng và bản sắc văn hóa, địa phương, vùng miền trong xã hội hiện đại. Đặc biệt là gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch, kết nối vùng, các địa phương trong phát triển du lịch bền vững theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”; đẩy mạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp để hoàn thiện kết cấu hạ tầng dịch vụ.
Các di sản văn hóa và thiên nhiên thời gian qua đã phát huy vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Ảnh: TITC
Tại hội nghị Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ về tình hình phục hồi và phát triển của ngành du lịch thời gian qua. Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế du lịch trong thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Du lịch được Chính phủ đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời đưa ra những góc nhìn vĩ mô về cơ chế, chính sách và các giải pháp kết nối du lịch với di sản. Đây là khía cạnh then chốt để biến di sản thành động lực tăng trưởng kinh tế không chỉ cho Quảng Ninh mà còn cho các địa phương khác.
Ở góc nhìn của kinh tế, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, di sản là đầu vào để tạo ra nguồn lực, tạo ra thu nhập cho người dân. Dùng nguồn lực đó để quay trở lại bảo tồn, phát triển di sản, tức là “lấy di sản nuôi di sản”. “Kinh tế di sản nên nhận thức trên phương tiện kinh tế học, nghĩa là có đầu tư, doanh thu và lợi nhuận. Kinh tế di sản cũng không được định giá thông thường theo thị trường mà phải có cách định giá đặc biệt, vốn đầu tư ban đầu càng lớn, càng lâu dài thì lợi nhuận càng tăng” - TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ.
Cũng theo TS. Vũ Đình Ánh, Quảng Ninh đang có những cách làm, ứng xử rất tốt với phát triển kinh tế di sản. Minh chứng rõ nét là Vịnh Hạ Long đang ở tốp đầu về lượng phục vụ du khách, vượt xa nhiều di sản khác về doanh thu từ du lịch. “Tôi kỳ vọng Quảng Ninh tiếp tục là hình mẫu của cả nước trong phát triển kinh tế di sản với những bước đi bền vững và nhiều bứt phá hơn nữa” - TS. Vũ Đình Ánh bày tỏ.
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, khai thác giá trị kinh tế của di sản ở Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng đã tạo ra nguồn thu ngày càng lớn cho ngân sách địa phương và thu nhập cho người lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, những kết quả đó chưa tương xứng với giá trị kinh tế tiềm năng của các di sản. Nguyên nhân căn bản của những hạn chế này là chúng ta đang khai thác giá trị kinh tế của di sản dựa vào truyền thống và kinh nghiệm mà chưa hình thành và phát triển được một ngành kinh tế di sản thật sự năng động, hiệu quả.
Kết hợp hài hòa bảo tồn và phát huy di sản, hướng tới phát triển bền vững lâu dài
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương Đinh Xuân Dũng cho rằng Quảng Ninh cần nâng cao trình độ, năng lực và nguồn lực của người dân khi tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế di sản. Nâng cao sự thấu hiểu, tình yêu đối với di sản văn hóa quê hương; đào tạo hướng dẫn viên du lịch trực tiếp tham gia vào hoạt động quảng bá kinh tế du lịch ngay trong lực lượng thanh niên; hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm du lịch riêng có của tỉnh…
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Quảng Ninh có nhiều di sản tự nhiên và di sản văn hóa, nhất là di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Vì vậy cần phải lựa chọn hướng phát triển đúng xu thế, giảm mức độ xung đột giữa các mục tiêu phát triển đến công tác bảo tồn các giá trị di sản. Nên giảm dần công nghiệp liên quan khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm, tổn hại đến đến giá trị di sản. Lấy phát triển bền vững là hướng đi lâu dài, cương quyết không đánh đổi phát triển nhanh mà ảnh hưởng đến tính bền vững, nhất là bảo tồn di sản thiên nhiên, môi trường, động thực vật quý hiếm của Quảng Ninh.
Di sản Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh. Ảnh TITC
“Quảng Ninh cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế của di sản. Lấy bảo tồn là cốt lõi, là trung tâm mang tính lâu dài… Cần làm tốt công tác quản trị vùng, quản trị của địa phương một cách có hệ thống, bảo đảm vai trò của quản trị với di sản từ khâu quy hoạch, kế hoạch, lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả quá trình tổ chức thực hiện” - TS. Phùng Quốc Hiển đề nghị.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng Quảng Ninh cần có các biện pháp để thúc đẩy các giá trị của di sản, trong đó xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế kỳ quan thế giới. Mô hình này thực hiện trên nguyên tắc nâng cấp hình ảnh Vịnh Hạ Long và Quảng Ninh, coi trọng phát triển kinh tế di sản, phát triển hạ tầng kinh tế di sản, hệ thống dịch vụ bổ sung… Trong dài hạn, Quảng Ninh có thể thu hút lượng khách có thu nhập cao, khách thương gia chi trả lớn thông qua sân bay Vân Đồn và đường cao tốc cùng hệ thống cảng biển đa dạng, phong phú. “Quảng Ninh cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, phát triển ứng dụng công nghệ và đổi mới mô hình kinh doanh du lịch, dịch vụ, sản xuất, tiêu dùng theo hướng kinh tế di sản để trở thành địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế di sản. Việc tăng cường kết nối chuỗi du lịch trong và ngoài nước, tạo ra nhiều đặc sản để tăng sức hấp dẫn từ dịch vụ đến sức hấp dẫn của di sản. Đồng thời, gia tăng trải nghiệm cho du khách, hướng đến đa dạng các thị trường, tạo sức cạnh tranh của điểm đến trong nước và khu vực” - PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: kinh tế , di sản , quảng ninh , vịnh hạ long , phát triển , bền vững , động lực , đột phá , phát huy , bảo tồn
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60276
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam