20/12/2024 11:26:49
Lượt xem: 235
(TITC) - Nằm cách trung tâm thành phố Nam Định chừng 20km, làng Cổ Chất (huyện Trực Ninh, Nam Định) là điểm dừng chân thú vị cho du khách bởi nơi đây nổi tiếng với làng nghề ươm tơ, nuôi tằm, dệt lụa.
Những năm 1900, làng Cổ Chất và huyện Trực Ninh từng là vành đai nguyên liệu chính của công ty Bông Vải Sợi Bắc Kỳ, khoảng vài thập kỷ gần đây, Cổ Chất vẫn là nơi cung cấp tơ sợi chất lượng cho các làng dệt lụa nổi tiếng trong nước.
Kén tằm kéo tơ có hai loại, nếu tằm ăn lá sắn sẽ cho kén trắng, tằm ăn lá dâu thì cho kén vàng. Kén màu nào sẽ cho ra tơ màu ấy. Ảnh: TITC
Từ lâu, nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất, Nam Định đã đi vào trong câu ca:
“Nam Định có bến Đò Chè
Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”
Từ xưa đến nay, kỹ thuật ươm tơ ở làng Cổ Chất đã nổi tiếng khắp xa gần, có lẽ sự khác biệt giữa tơ sợi làng Cổ Chất so với tơ ở vùng khác đã khiến cho nghề ươm còn trụ nổi ở vùng đất hiền hòa này. Kỹ thuật ươm tơ thủ công đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn của người thợ. Từ việc lựa chọn và phân loại kén tằm, cho đến việc đảo kén lấy mối tơ, tay thoăn thoắt mắt không rời để kéo tơ đều sợi, tạo nên những nén tơ căng chắc và óng mượt.
Công đoạn phân loại kén trước khi ươm. Ảnh: TITC
Trong những xưởng kéo tơ, người thợ làm việc trong màn khói bốc lên nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Người ta đổ kén tằm vào nước và đun cho nước sôi lên rồi tiếp tục đổ cả nồi nước sôi có kén tằm trong đó vào một chậu inox để bắt đầu công đoạn kéo tơ. Vòng kéo chạy chầm chậm và từng sợi tơ vàng hoặc trắng được quấn quanh khung, kéo tơ xong người thợ phải chỉnh tơ: nhặt tạp chất, quấn cho khuôn tơ được suôn và đều, sao cho tơ được sạch sẽ. Sau đó những cuộn tơ được cuộn thành từng bó, phơi khô dưới nắng.
Người thợ ươm tơ phải làm việc với độ tập trung cao trong cả chục tiếng đồng hồ mỗi ngày trong hơi nóng và sự ẩm ướt. Ảnh: TITC
Những cuộn tơ sống sau khi được phơi khô, sẽ được đem đi se sợi. Tơ thành phẩm thường chia làm 3 loại: tơ tốt nhất gọi là sợi mốt, kế đến là sợi mành và cuối cùng là sợi đũi. Các thương lái đến mua ở tận làng, chuyển đi các vùng dệt lụa lân cận Hà Nội, tuy nhiên tơ Cổ Chất phần nhiều xuất khẩu ra các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc.
Những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả được phơi trên những thanh sào tre. Ảnh: TITC
Các sản phẩm tơ của làng Cổ Chất nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng tốt và độ bền đẹp. Ảnh: TITC
Các sản phẩm tơ của làng Cổ Chất tuy nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng tốt và độ bền đẹp nhưng ngày nay những người đã từng làm nghề và thế hệ trẻ phần vì không đủ tâm huyết để theo nghề, phần vì giá thành nguyên liệu kén ngày càng cao và khan hiếm, những ai muốn theo nghề phải vô cùng vất vả để tìm kiếm nguồn nguyên liệu lẫn thị trường.
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: Làng nghề , văn hóa , Nam Định
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60324
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam