23/12/2024 15:15:22
Lượt xem: 388
(TITC) - Sở hữu nền văn hóa đa dạng, Hội An có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong đó nổi bật với văn hóa sáng tạo, thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, gây ấn tượng với du khách.
Tại Hội An, văn hóa sáng tạo trên nền di sản của cộng đồng cư dân đã đóng góp vào những mục tiêu bền vững và tăng trưởng đa chiều như: bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, sự thịnh vượng về kinh tế và cố kết xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, củng cố, tiếp nối truyền thống sáng tạo trong lịch sử thành phố và tiếp tục thích ứng, nâng tầm cao mới phù hợp với bối cảnh, dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn văn hóa và các nguồn tài nguyên khác của Hội An.
Có thể nhận thấy khả năng hội nhập và sáng tạo điển hình của Hội An qua sự độc đáo của quần thể kiến trúc đô thị cổ hay trong những không gian sống bình dị như góc phố, vỉa hè, giếng nước, cây đa, sân đình, nhà thờ, chùa miếu... để lại dấu ấn sâu đậm về nếp sống, sinh hoạt tín ngưỡng, văn nghệ dân gian, nét tinh hoa của nhiều nghề thủ công mỹ nghệ.
Bên cạnh đó, các sản phẩm văn nghệ dân gian độc đáo do cộng đồng cư dân Hội An sáng tạo vô cùng phong phú và hấp dẫn. Ngoài nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, năm 2023 Lễ hội Tết Nguyên Tiêu và Lễ hội Tết Trung thu ở Hội An được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó có thể kể đến các loại hình dân ca, hát bội, hò khoan, bả trạo, sắc bùa, múa tứ linh, hò đưa linh... là những loại hình văn nghệ dân gian khá phổ biến ở Hội An, là chất liệu cơ bản của các sản phẩm văn hóa - du lịch đầy sáng tạo và độc đáo của Hội An như các chương trình đêm phố cổ, Phố đêm, đêm Hoài Giang, Hô hát bài chòi và chơi bài chòi…
Với những nỗ lực không ngừng trong bảo tồn và phát huy, đến nay các nghề khai thác yến sào Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà và nghề trồng rau Trà Quế đã được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, Hội An cũng nổi tiếng với các nghề thủ công như: làm đèn lồng, da, may mặc, đầu lân, mặt nạ, hoa đăng, chạm trổ, điêu khắc, đắp vẽ…
Gần đây, Hội An đã xuất hiện những nghệ nhân tiên phong trong các nghề thủ công sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ đất sét, tre, củi lũ, bẹ dừa nước, gốc cây, các vật liệu tái chế hay những thứ rác thải. Các không gian sáng tạo điển hình như: Làng nghệ thuật củi lũ, "Xưởng tái sinh", Xưởng tre Taboo Bamboo, Xưởng vẽ tranh lụa, Vườn giấy Việt (từ cây dừa nước)... Làng chài Tân Thành là không gian sáng tạo của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước với nhiều dự án phát triển văn hóa và du lịch cộng đồng.
Những không gian văn hóa sáng tạo điển hình về công nghiệp văn hóa có thể kể đến như Đảo Ký ức Hội An là một tổ hợp du lịch giải trí trên nền tảng văn hóa nghệ thuật - trình nghề và các sản phẩm thủ công tiêu biểu – chế biến ẩm thực truyền thống. Cốt lõi là show diễn thực cảnh "Ký ức Hội An" với hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên, được bình chọn là chương trình nghệ thực cảnh quy mô lớn nhất và hay nhất Việt Nam.
Xác định tầm nhìn cùng các định hướng chính sách phát triển văn hóa, Hội An đã kiên trì nỗ lực và đạt rất nhiều thành tựu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, thúc đẩy sự sáng tạo của các nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm và thu nhập của người dân, tạo ra các sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo và hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay Hội An đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về nguồn nhân lực trong các hoạt động nghề thủ công và nghệ thuật dân gian suy giảm; Sản phẩm thiếu đa dạng và chưa có nhiều cơ hội đầu ra; Cơ sở vật chất còn thiếu, nhất là những điều kiện đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và tổ chức những hoạt động thực hành, khích lệ và lan tỏa sự tham gia sáng tạo của cộng đồng…
Trong dòng chảy của toàn cầu hóa, Hội An cần có những cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó, Thành phố Hội An đã và đang triển khai thực hiện "Chiến lược xây dựng khả năng chống chịu, phục hồi" dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững được Chính phủ đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự Liên Hợp quốc 2030. Chiến lược gồm nhiều chương trình hành động, trong đó tập trung xây dựng chính quyền kiến tạo; tạo điều kiện để doanh nghiệp, chuyên gia phát huy khả năng sáng tạo; hướng đến xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khẳng định tầm nhìn Hội An như một thành phố đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: Hội An , văn hóa , sáng tạo
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60371
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam