25/12/2024 18:27:20
Lượt xem: 354
(TITC) - UBND huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum đang có chủ trương đầu tư phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành. Chủ trương này của huyện Kon Plông thời gian qua được đông đảo người dân làng Kon Chênh tích cực hưởng ứng.
Đồng bào M’Nâm tiếp đón du khách tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Chênh. Ảnh TITC
Làng Kon Chênh là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào M’Nâm. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, người dân hồn hậu, chất phác; cộng đồng làng còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện trong các lễ hội, lễ thức dân gian đặc sắc như mừng lúa mới, cúng giọt nước, lễ gieo mạ; hoạt động biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca được trao truyền qua nhiều thế hệ. Nhằm phát huy tài nguyên gắn với bản sắc văn hóa dân tộc đó của đồng bào M’Nâm, UBND huyện Kon Plông đề ra chủ trương, xây dựng kế hoạch phát triển Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng Kon Chênh.
Đồng bào trình diễn múa xoang và nhạc cụ dân tộc chào đón du khách. Ảnh TITC
Ông Phạm Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, hiện trên địa bàn huyện Kon Plông đã có 2 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Huyện Kon Plông cũng đang triển khai xây dựng 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng khác. Việc triển khai phát triển du lịch cộng đồng được huyện thực hiện từ năm 2021, đến nay bà con đã có nguồn thu từ hoạt động du lịch, làm thay đổi toàn bộ bộ mặt nông thôn của huyện. Đối với làng Kon Chênh, chúng tôi xây dựng dựa trên điểm nhấn kết hợp văn hóa với cây cà phê, để làm sao quảng bá được thương hiệu cà phê đến với du khách, nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị văn hóa.
Du khách giao lưu cùng đồng bào. Ảnh TITC
“Để làm được điều này, các cơ quan ban ngành trong huyện đã cùng với bà con, vận động, tuyên truyền bà con cùng tham gia; đưa bà con đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương có du lịch cộng đồng phát triển như Mai Châu (Hòa Bình), Gò Cỏ (Quảng Ngãi) và nhiều địa phương du lịch cộng đồng phát triển khác ở Sơn La... Để khi về địa phương, bà con thấy được thực tế, thay đổi nhận thức để làm du lịch. Từ đó, bà con đã biết cách làm du lịch cộng đồng, biết bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa, biết tiếp khách, biết tổ chức đón khách...” - ông Phạm Văn Thắng chia sẻ.
Du khách thích thú check-in cùng cành cà phê của đồng bào M’Nâm tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Chênh. Ảnh TITC
Hiện tại, hoạt động khai thác du lịch cộng đồng tại làng Kon Chênh đã đi vào nền nếp. Bà con đã biết chỉnh trang môi trường, xây dựng các điểm du lịch homestay gắn với quảng bá, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; đầu tư thêm các nhà vệ sinh, hệ thống nước nóng, lạnh; khu vực vườn hoa tạo cảnh quan, khu vực săn mây, ngắm cảnh... Với tinh thần cần cù, chịu khó, vui vẻ, nhiệt tình, sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp của du khách, bà con đã từng bước tích lũy kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Vào các dịp lễ và cuối tuần, lượng du khách đến khá ổn, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con.
Một hộ tham gia hoạt động du lịch cộng đồng tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Chênh. Ảnh TITC
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Chênh ngày càng thu hút đông du khách; khách từ các nơi, từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng bắt đầu biết và tìm về Kon Chênh để trải nghiệm. Đến với Kon Chênh, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa của đồng bào M’Nâm bản địa; tham gia hoạt động đốt lửa trại kết hợp biểu diễn cồng chiêng-xoang; trải nghiệm cuộc sống thường ngày, lên rẫy cùng bà con, chăm sóc cây cà phê... Du khách cũng có thể thưởng thức ẩm thực truyền thống với những thực phẩm sạch do bà con cung cấp như như gà nướng, cơm lam, heo địa phương, cá suối, các loại rau rừng, khoai, sắn; các đặc sản mang tính bản địa như các loại cà phê, thịt trâu, rượu cần...
Nghệ nhân ưu tú A Lễ (bìa phải) chia sẻ về niềm vui khi có thể bảo tồn văn hóa làng Kon Chênh để phát triển du lịch. Ảnh TITC
Nghệ nhân ưu tú A Lễ ở Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Chênh cho biết, nhờ chính quyền địa phương các cấp quan tâm đầu tư phát triển du lịch, bà con rất mừng. Du khách đến rất đông, bà con càng có nhiều cơ hội phục vụ du khách, quảng bá về văn hóa của thôn làng, của cộng đồng dân tộc bản địa. Chính vì vậy, vấn đề phát triển kinh tế cũng đã có sự đổi khác so với trước đây. “Tôi mừng lắm, mừng là về sau, dần dần sẽ đưa làng Kon Chênh phát triển du lịch mạnh hơn, để người dân chúng tôi có thêm thu nhập. Bản thân tôi nghĩ, chúng tôi đã lớn tuổi rồi, chúng tôi đang cố gắng, làm sao để truyền lại cho thế hệ sau, cho các bạn thanh niên, để duy trì được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc M’Nâm nơi đây. Từ đó, tiếp tục gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, thu thút thêm nhiều du khách về đây trải nghiệm” - nghệ nhân ưu tú A Lễ chia sẻ.
Một số hình ảnh giao lưu tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Chênh:
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: du lịch, văn hóa , cộng đồng , bảo tồn , phát triển , bền vững , M’Nâm , Kon Plông , Kon Chênh
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60383
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam