24/12/2024 15:27:14
Lượt xem: 308
(TITC) - Thời gian qua, việc Việt Nam liên tiếp được World Travel Awards vinh danh là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới", "Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á", "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á"…, đã cho thấy Việt Nam được đánh giá rất cao về tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch. Du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc khai thác, phát triển nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, định vị thương hiệu quốc gia đã thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Điển hình như sự lan tỏa mạnh mẽ của âm nhạc quốc tế, Hàn Quốc, Nhật Bản đã xây dựng nhiều tour khám phá văn hóa độc nhất vô nhị, được đông đảo du khách quan tâm. Singapore cũng rất thành công trong chiến lược định hướng thành điểm đến văn hóa-nghệ thuật hàng đầu khu vực.
Vừa qua, quốc đảo sư tử đã trở thành điểm đến duy nhất ở Đông Nam Á của Taylor Swift trong khuôn khổ The Eras Tour. Sau 06 buổi hát live, nữ danh ca nhạc pop người Mỹ đã mang đến doanh thu hàng trăm triệu USD cho Singapore, toàn bộ 300.000 vé của sáu đêm diễn được bán hết, từ hàng không đến vận tải đường bộ, du lịch, dịch vụ bán lẻ… đều được hưởng lợi. Tương tự, ngành du lịch Nhật Bản cũng đã kiếm bộn tiền từ việc khai thác các sản phẩm trong hệ sinh thái truyện tranh, hay với Mỹ là sức hút từ điện ảnh Hollywood…
Sau thành công của bộ phim 3D mapping “Tinh hoa đạo học”, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục cho ra mắt bộ phim “Sử đá lưu danh” - Hành Trình Tri Thức Qua Ánh Sáng Nghệ Thuật. Ảnh: TITC
Tại Việt Nam, dù công nghiệp văn hóa chỉ mới được đề cập những năm gần đây, nhưng cũng đã xuất hiện một số sản phẩm khai thác văn hóa một cách sáng tạo, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam, tiêu biểu như các show diễn thực cảnh được đầu tư lớn cả về nội dung và nghệ thuật như "Tinh hoa Bắc Bộ", "Ký ức Hội An", "Vũ điệu trên mây"…
Đầu năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội công bố 15 sản phẩm du lịch đêm, phần lớn đều dựa trên thế mạnh về văn hóa, di sản, trong đó các sản phẩm như tour tham quan Nhà tù Hỏa Lò về đêm, tour Giải mã Hoàng thành, chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân - Sống một đời đáng sống" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… đã thật sự để lại dấu ấn khó quên trong lòng du khách.
Ảnh: TITC
Bên cạnh đó, Việt Nam có 3 đô thị tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO gồm: TP. Hà Nội, TP. Hội An (Quảng Nam), TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố trên thế giới trong việc phát triển văn hóa và sáng tạo.
Ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 30 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Theo đó, du lịch văn hóa được xác định là một trong những ngành công nghiệp văn hóa cần được đẩy mạnh phát triển thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, cùng với thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật… Văn hóa là tài nguyên để phát triển du lịch và du lịch là phương thức hữu hiệu để khai thác giá trị kinh tế của văn hóa.
Ảnh: TITC
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một yêu cầu cấp thiết để các quốc gia nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ bản sắc văn hóa. Để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch, cần có nhiều giải pháp khơi thông năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Chính vì vậy muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa, yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách.
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: Giá trị , văn hóa , phát triển , du lịch
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60392
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam