25/12/2024 17:35:07
Lượt xem: 215
(TITC) - Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản văn hoá phi vật thể, vừa góp phần đảm bảo cuộc sống cho người dân, vừa bảo tồn nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Chăm nơi đây.
Người thợ gốm làng Bàu Trúc vẫn duy trì cách làm gốm truyền thống. Ảnh: TITC
Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) được đánh giá là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á. Đồng bào Chăm vốn theo chế độ mẫu hệ, "mẹ truyền con nối", đa phần các sản phẩm đều do bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm tạo nên. Vì thế, gốm Bàu Trúc mang vẻ đẹp độc đáo, khác biệt so với gốm ở các nơi khác. Đồng thời cũng trở thành điểm nhấn du lịch làng nghề của tỉnh Ninh Thuận, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Khác với các làng gốm khác như Bát Tràng (Hà Nội); Chu Đậu (Hải Dương); Biên Hòa - Đồng Nai hay làng Gốm Phước Tích - Thừa Thiên Huế, Thanh Hà - Quảng Nam… Khi những nơi này đã áp dụng rất nhiều các công nghệ vào sản xuất, dùng bàn xoay để nặn sản phẩm, đã sử dụng men để trang trí hay dùng công nghệ nung trong lò sử dụng điện, ga… Thì người thợ gốm làng Bàu Trúc vẫn duy trì cách làm gốm truyền thống. Những sản phẩm được tạo ra bằng kỹ thuật độc đáo, mà người dân hay gọi bằng cái tên rất dân dã “làm bằng tay, xoay bằng mông”. Người thợ gốm đi giật lùi, tay “bắt” từng lọn đất, tay trong thì ép, tay ngoài xoa biến những khối đất vô tri, vô giác thành sản phẩm gốm độc đáo, độc bản và mang đậm nét văn hóa Chăm. Cách nung vẫn làm lộ thiên bằng củi, rơm, trấu…
Ảnh: TITC
“Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO chính thức ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2022. Đây là sự khẳng định về bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của công chúng và chính quyền địa phương trong việc tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy và tạo sức sống mới cho di sản. Từ đó cũng truyền cảm hứng để giới trẻ gắn bó, tiếp nối nghề làm gốm của cha ông. Đặc biệt, sau khi Nghệ thuật làm gốm Chăm được UNESCO ghi danh đã thu hút khách du lịch đến với làng gốm nhiều hơn, giúp cộng đồng cư dân có thêm nguồn lực, củng cố niềm tự hào và nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của chính họ.
Nung gốm bằng cách truyền thống với củi, rơm, trấu…Ảnh: TITC
Sức cuốn hút của gốm Chăm đối với du khách gần xa thời gian qua cho thấy tín hiệu lạc quan từ việc gắn kết phát triển du lịch với các làng nghề truyền thống. Việc trở thành "di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp", được UNESCO ghi danh sẽ tạo thêm tiền đề cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm,
Khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận đã tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, du lịch dựa vào di sản còn giúp gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Chăm Ninh Thuận.
Ảnh: TITC
Để đáp ứng nhu cầu của du khách muốn tìm hiểu văn hóa bản địa và sản phẩm đặc thù địa phương, ngành Du lịch cùng các địa phương đã xây dựng, phát triển tour làng nghề khá hiệu quả với làng nghề gốm truyền thống Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Đến làng gốm Bàu Trúc, du khách được chứng kiến kỹ thuật làm gốm, tham gia chế tác gốm thủ công. Các tour du lịch này thu hút ngày càng đông du khách tới tham quan, tìm hiểu văn hóa, mua sắm sản phẩm truyền thống.
Du lịch cộng đồng không chỉ mang lại sinh kế cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan và những giá trị văn hóa bản địa cho làng Bàu Trúc. Đó cũng là hướng đi bền vững để bảo tồn những di sản văn hóa của mỗi dân tộc.
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: Ninh Thuận , kết nối , di sản , gốm Chăm , du lịch , cộng đồng , văn hóa
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60402
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam