25/12/2024 10:25:45
Lượt xem: 288
(TITC) - Phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 không chỉ là một mục tiêu phát triển kinh tế mà còn là một chiến lược dài hạn để xây dựng thương hiệu văn hóa và du lịch của TP. Hồ Chí Minh.
Trước tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, ngày 25/10/2023, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030; chọn 8 ngành công nghiệp văn hóa để phát triển gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.
Đề án "Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030" đặt trọng tâm vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa mới, tạo tiền đề cho sự phát triển của du lịch văn hóa - một trong những trụ cột quan trọng của ngành du lịch thành phố.
Ảnh: TITC
Quá trình thực hiện đề án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 đến hết năm 2025, giai đoạn 2 từ năm 2026-2030. Trong giai đoạn 1, TP. Hồ Chí Minh tập trung phát triển trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước thông qua việc đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP của Thành phố gồm quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa.
Cùng với đó, định hướng và từng bước phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Trong giai đoạn 2, TP. Hồ Chí Minh tập trung phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…
Qua đó, xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á; phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.
Ảnh: TITC
TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, doanh thu đóng góp khoảng 5,7% GRDP của Thành phố và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa của Thành phố đạt bình quân khoảng 12%/năm, đóng góp khoảng 7-8% GRDP.
Dự kiến tổng doanh thu của 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố khoảng 148.000 tỷ đồng.
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 không chỉ là một mục tiêu phát triển kinh tế mà còn là một chiến lược dài hạn để xây dựng thương hiệu văn hóa và du lịch của TP. Hồ Chí Minh. Việc đầu tư hạ tầng và tận dụng không gian văn hóa sẽ tạo ra nhiều cơ hội thu hút du khách, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch và đóng góp vào sự thịnh vượng của thành phố trong tương lai.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các chuyên gia nhìn nhận, các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở đô thị không chỉ phản ánh bản sắc mà còn là cách thức thể hiện sự hiện đại, sáng tạo của thành phố. Việc khai thác không gian văn hóa giúp mở ra cơ hội quảng bá du lịch và tạo dấu ấn cho TP. Hồ Chí Minh trên bản đồ du lịch quốc tế.
Trung tâm thông tin du lịch
Thẻ bài viết: TP. HCM , trung tâm , công nghiệp , văn hóa
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60415
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam