27/12/2024 12:30:23
Lượt xem: 313
(TITC) - Nhắc đến Bảo tàng về Văn hóa Chăm, du khách phần lớn chỉ nghĩ đến bảo tàng ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, tại huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam cũng có một bảo tàng về Văn hóa Chăm khác.
Khác với Bảo tàng Văn hóa Chăm ở Đà Nẵng, bảo tàng ở huyện Núi Thành là bảo tàng tư nhân; mang cái tên chẳng liên quan gì đến Văn hóa Chăm cả - Bảo tàng Chu Lai. Bảo tàng Chu Lai hiện nằm trong một không gian mở rộng chừng 5ha trên tuyến ven biển, đoạn giáp ranh giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi, trong khuôn viên Chu Lai resort. Bảo tàng thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư miền Trung, địa chỉ giao dịch tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Hiện vật gốm thế kỷ XV-XVI trưng bày trong Bảo tàng Chu Lai
Bảo tàng Chu Lai có thể xem là bảo tàng tư nhân hoành tráng của khu vực miền Trung khi sở hữu hàng ngàn hiện vật qua các triều đại của Việt Nam từ thế kỷ XVIII - XIX và nhiều hiện vật văn hóa Chăm. Để có được số hiện vật khổng lồ trưng bày trong bảo tàng, chủ nhân của nó đã bỏ ra khoảng 40 năm sưu tầm, từ hiện vật thuộc quá trình lịch sử Việt Nam đến các hiện vật giao lưu văn hóa với Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và các nước phương Tây. Những hiện vật này hiện vật gốm sứ, đá, kim loại thuộc thời văn hóa Sa Huỳnh cho tới đầu thế kỷ 20. Thông qua trưng bày, nhằm giới thiệu đến du khách và người dân địa phương lịch sử Việt Nam từ thời dựng nước đến thời cận - hiện đại. Bao gồm văn hóa Đông Sơn, văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, văn hóa Óc Eo…; lịch sử Việt Nam, lịch sử khu vực; đồng hồ thế giới thế kỷ XVIII-XX; điện thoại di động cuối thế kỷ XX; sưu tập hạt chuỗi Tây Nguyên thế kỷ XVIII-XX; sưu tập chuông và lục lạc thế kỷ XVIII-XX; sưu tập hỏa khí thế kỷ XVII-XIX…
Du khách tham quan nơi trưng bày các sản phẩm gốm thế kỷ XV-XVI. Ảnh TITC
Tham quan bảo tàng, ngắm từng cổ vật, du khách có thể có được một chuyến du hành ngược dòng lịch sử, tìm hiểu những cội nguồn văn hóa dân tộc qua các thời nhà Nguyễn, Mạc, Tây Sơn, văn hóa Hậu Sa Huỳnh… Hiện vật trưng bày của Bảo tàng Chu Lai, ngoài đồ gốm, vật trang trí nội thất cổ còn có các loại binh khí, vật dụng nhà quan lại thời xưa, súng thần công và đạn. Nhiều nhất là hiện vật bằng gốm và đá. Đến đây, du khách như lạc vào một thế giới khác, thế giới của những câu chuyện kể bằng gốm và đá với những bộ sưu tập đồ gốm miền Trung thế kỷ XV-XX, sưu tập chày, con lăn và bàn nghiền Nam Bộ thế kỷ VIII-XII.
Một điểm nhấn khác biệt là hơn phân nửa diện tích của Bảo tàng Chu Lai được dùng để trưng bày các hiện vật liên quan đến nền văn hóa Chăm. Những hiện vật này phần nhiều được trưng bày trong một không gian khép kín. Nhiều hiện vật được cho là rất có giá trị như thẻ tạ ơn hình phật bằng bạc dán trên các cột kinh của Chămpa thế kỷ IX-X, Kendi bằng đồng, ngẫu tượng Linga - Yoni bằng bạc và vàng… Chỉ tính riêng bộ Kendi, nếu tìm hiểu kỹ sẽ hiểu được phần nào thời kỳ của những vương triều Chăm Pa hưng thịnh.
Chủ sở hữu bảo tàng đã cho đắp các phù điêu trên tường, vẽ tranh trên trần nhà những cảnh sinh hoạt văn hóa, lễ hội của người Chăm một cách sinh động. Đây là một trong số điểm nhấn khác để tăng thêm phần cuốn hút của bảo tàng. Ảnh TITC
Bộ sưu tập liên quan đến văn hóa Chăm được trưng bày tại bảo tàng rất phong phú. Từ thuyền độc mộc, cối xay, cối giã, công cụ sản xuất, tượng thần, thủy quái, vật tượng trưng tín ngưỡng… Mỗi một hiện vật đều chứa đựng một câu chuyện riêng về bản thân nó hay liên quan đến hành trình sưu tầm của chủ sở hữu bảo tàng. Không mấy ai xa lại khi nhắc đến biểu tượng Linga - Yoni trong văn hóa Chăm, song tại Bảo tàng Chu Lai, du khách sẽ được nhìn thấy rất nhiều hiện vật là Linga. Có thể xem đây như một điểm độc đáo riêng biệt của bảo tàng.
Du khách tham quan khu vực trưng bày các tượng Linga. Ảnh TITC
Từ thông tin của bảo tàng, du khách có thể hiểu một cách cơ bản về những vương triều Chăm Pa, hiểu rõ hơn về biểu tượng của văn hóa Chăm - Linga. Tượng Linga được chạm khắc khuôn mặt của thần Shiva, gọi là Linga có mặt người hay còn gọi là Mukhalinga. Một Mukhalinga có thể mang một hoặc nhiều khuôn mặt của thần Shiva và căn cứ theo điều đó mà có tên gọi khác nhau như: Trimukhalinga (3 khuôn mặt), Chaturamukhalinga (4 khuôn mặt), Panchamukhalinga (5 khuôn mặt). Tượng Linga được chạm khắc hình ngọn lửa hoặc búi tóc của thần Shiva được gọi là Jatalinga. Linga phân tầng là Linga được chia phần đại diện cho ba thể của thượng đế trong Ấn Độ giáo: Phần dưới cùng hình lập phương tượng trưng cho Brahma, phần giữa là lăng trụ 8 mặt đại diện cho Vishnu, phần trên cùng hình tròn đại diện cho Shiva. Những tượng Linga có một lớp vỏ kim loại mạ vàng hoặc bạc bao bọc bên ngoài sẽ được đặt thờ trong các tháp của nền văn hóa Chăm. Và lớp bỏ đó được gọi là Kosa; chỉ khi đến những lễ lớn, quan trọng trong năm, thì người dân sẽ tháo Kosa ra để tẩy rửa sạch tượng Linga…
Trong không gian trưng bày các hiện vật khép kín của bảo tàng, chủ sở hữu bảo tàng đã cho đắp các phù điêu trên tường, vẽ tranh trên trần những cảnh sinh hoạt văn hóa, lễ hội của người Chăm một cách sinh động. Đây có lẽ là một điểm nhấn khác để tăng thêm phần cuốn hút của bảo tàng.
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: bảo tàng, văn hóa Chăm, Linga , Shiva , Chu Lai , Núi Thành
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60421
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam