25/12/2024 19:35:44
Lượt xem: 148
(TITC) - UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt Đề án phát triển huyện Bắc Hà thành điểm đến văn hóa đặc sắc của tỉnh Lào Cai, khu vực Tây Bắc giai đoạn 2024 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành khu du lịch quốc gia. Đề án đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, tạo đột phá kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2050
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Hà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc. Huyện phấn đấu đón trên 2,4 triệu lượt khách, trong đó có 54 nghìn lượt khách quốc tế, với tổng thu từ du lịch đạt gần 3.900 tỷ đồng. Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Hà sẽ là khu du lịch quốc gia mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đón gần 5 triệu lượt khách và thu về hơn 15.000 tỷ đồng.
Phát triển sản phẩm và cơ sở hạ tầng du lịch
Từ nay đến năm 2030, huyện Bắc Hà tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như "Cao nguyên trắng Bắc Hà bốn mùa nghiêng say", du lịch khám phá, mạo hiểm, săn mây, và nghỉ dưỡng. Các hoạt động như tham quan chợ phiên, tuyến phố đi bộ Na Cồ, và khai thác giá trị lịch sử của dinh thự Hoàng A Tưởng cũng được đẩy mạnh.
Du lịch thể thao tổng hợp dựa trên địa hình núi cao, hệ thống sông suối và cảnh quan đẹp, đặc biệt là sông Chảy, cũng là hướng đi chiến lược. Bắc Hà sẽ tổ chức các giải thể thao quốc gia như đua xe địa hình, chèo thuyền, và vượt thác ghềnh.
Hạ tầng du lịch sẽ được đầu tư mạnh mẽ, bao gồm khách sạn 4 sao, nhà hàng đạt tiêu chuẩn ASEAN, và các cơ sở dịch vụ chất lượng cao. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh quảng bá du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng
Bắc Hà là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Địa phương này sở hữu khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên núi rừng hùng vĩ với nhiều điểm tham quan hấp dẫn. Những địa danh nổi tiếng như động Thiên Long (di tích danh thắng cấp quốc gia), núi Cô Tiên, hang Tiên, rừng già Bản Liền, và thảo nguyên Cốc Sâm là những điểm đến lý tưởng cho du lịch sinh thái, mạo hiểm, và nghỉ dưỡng. Ngoài ra, lòng hồ thủy điện ở Cốc Ly và nguồn lợi thủy sản phong phú cũng mở ra tiềm năng lớn cho du lịch thể thao mạo hiểm sông nước.
Không chỉ thiên nhiên, Bắc Hà còn là một vùng đất văn hóa đặc sắc, với sự chung sống hài hòa của 14 dân tộc thiểu số. Các cộng đồng người Mông, Tày, Dao, Giáy, Nùng, và nhiều dân tộc khác đã tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và độc đáo. Những nét văn hóa truyền thống được thể hiện qua lễ hội, phong tục, trang phục, và các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, nấu rượu ngô, làm cốm, đan nón lá, và chế tác nhạc cụ dân tộc.
Bắc Hà hiện có 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, bao gồm Dinh thự Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, đền Trung Đô, và động Thiên Long. Ngoài ra, còn có 11 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như nghệ thuật khèn Mông, múa xòe của người Tày, lễ hội Gầu Tào của người Mông, nghi lễ Then của người Tày, lễ cấp sắc của người Dao, và đặc biệt là Lễ hội đua ngựa. Nghi lễ kéo co của các dân tộc Tày, Giáy và hành Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội và chợ phiên độc đáo
Bắc Hà nổi tiếng với những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, như lễ hội Gầu Tào của người Mông - dịp để cầu mong sức khỏe, mùa màng bội thu; lễ hội Then của người Tày - thể hiện tín ngưỡng tâm linh và nghệ thuật độc đáo. Lễ hội đua ngựa Bắc Hà, một sự kiện thường niên đầy màu sắc và hấp dẫn, đã trở thành thương hiệu riêng của địa phương, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Chợ phiên Bắc Hà là một trong 10 chợ phiên độc đáo nhất châu Á, nơi hội tụ các sản vật địa phương, sản phẩm thủ công và không gian giao lưu văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng cao. Đây không chỉ là nơi giao thương mà còn là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống.
Liên kết vùng và kết nối du lịch
Với vị trí địa lý thuận lợi, Bắc Hà nằm trong không gian vùng liên huyện gồm Mường Khương - Si Ma Cai - Bắc Hà. Địa phương này được định hướng trở thành trung tâm du lịch của vùng núi cao Đông Bắc tỉnh Lào Cai, đồng thời là cầu nối du lịch giữa hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang. Tuyến hành lang du lịch Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cùng tuyến kết nối quốc tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai, tạo điều kiện thuận lợi để Bắc Hà thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Bảo tồn và phát triển bền vững
Bắc Hà chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa và thiên nhiên song song với phát triển kinh tế du lịch. Việc khai thác du lịch gắn liền với bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường và phát huy giá trị văn hóa dân tộc sẽ là kim chỉ nam để địa phương phát triển bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ trong nước mà còn trên bản đồ du lịch quốc tế.
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: Lào Cai , Bắc Hà , điểm đến văn hóa
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60441
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam