27/12/2024 15:05:50
Lượt xem: 292
(TITC) - Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc có sự đa dạng về văn hóa, là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng. Trong đó, nhiều già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng đã trở thành “Người thầy” truyền dạy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gương mẫu thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Hoạt động bảo tồn văn hóa của các dân tộc tỉnh Hà Giang. Ảnh: TITC
Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã tổ chức các lớp tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể. Mục tiêu của các lớp học này là khuyến khích đồng bào gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và truyền lại cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc mình. Các lớp học cũng tìm kiếm và bồi dưỡng những cá nhân có đam mê và năng khiếu trong các loại hình văn hóa phi vật thể, góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc.
Một trong các lớp học nổi bật là lớp truyền dạy chế tác nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông tại thôn Nậm Dịch, xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì), nơi hơn 50 học viên tham gia. Thầy Sùng Chủ Dìn, một người có uy tín trong cộng đồng, chia sẻ: “Với cuộc sống hiện đại, giới trẻ có nhiều cơ hội tiếp cận nền văn hóa đa dạng. Tuy nhiên, việc lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cần phải được chú trọng hơn bao giờ hết. Nếu không gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau, những giá trị văn hóa truyền thống sẽ dần mai một.” Trong suốt khóa học kéo dài 10 ngày, học viên được hướng dẫn về kỹ thuật chế tác khèn Mông, hiểu về vai trò, ý nghĩa và xuất xứ của cây khèn trong nghi lễ và phong tục của dân tộc Mông, cùng các kỹ thuật phối âm và tổ chức múa khèn.
Tại xã Xuân Giang (Quang Bình), lớp truyền dạy các làn điệu dân ca và nhạc cụ truyền thống dân tộc Tày thu hút gần 70 học viên, hầu hết là các nghệ nhân và người đam mê văn hóa dân tộc. Ông Hoàng Văn Bình, một người thầy trong cộng đồng, cho biết: “Nhạc cụ truyền thống của người Tày rất đa dạng, và tôi luôn cố gắng lưu truyền những nhạc cụ và làn điệu dân ca này cho thế hệ sau.”
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng, đã trở thành một chiến lược quan trọng. Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình Hoàng Văn Phú cho biết: “Dự án 6 nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, đồng thời tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có cơ hội nâng cao đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.”
Thông qua các lớp học này, học viên không chỉ hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn trở thành những người giữ gìn và truyền dạy lại các giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ tương lai. Đây là cách thức hiệu quả để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số ở Hà Giang.
Một số hình ảnh làng văn hóa dân tộc ở Hà Giang:
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: Hà Giang , du lịch văn hóa
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60451
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam