27/12/2024 15:41:33
Lượt xem: 229
(TITC) - Cách trung tâm huyện Đan phượng chừng 7km, làng Bá Dương Nội thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội có bề dày truyền thống, tạo dựng lên một quần thể di sản văn hóa độc đáo như: Tam quan chùa Già Lê, đình Bá Dương Nội, miếu Châu Trần... cùng các hoạt động văn hóa phong phú như: Lễ hội thi thả Diều truyền Thống ngày 15/ 3 âm lịch; Lễ hội rước bánh dầy ngày mồng 3 Tết; Hội Vật truyền thống ngày 04 tết... cùng các trò chơi dân gian như: nấu cơm thi, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, leo cầu, đua thuyền, chọi gà, cờ tướng... trong đó lễ hội thả Diều là nét văn truyền thống đặc sắc thu hút sự quan tâm của du khách thập phương.
Từ trò chơi của trẻ chăn trâu...
Ông Nguyễn Khắc Mai, người phụ trách mảng văn hóa xã Hồng Hà nhiều năm cho biết, thú chơi diều và lễ hội thả diều của địa phương có từ bao giờ không ai nhớ rõ. Chỉ biết sự tích kể lại rằng, cách đây hàng nghìn năm, làng Bá Dương Nội là vùng bãi phù sa rộng lớn của sông Hồng. Hằng ngày, nhân dân trong làng ra bãi trồng trọt; trẻ em ra bãi chăn trâu, cắt cỏ, mang theo cơm nắm, ngô, khoai để ăn trưa; chiều tối mới về làng. Khi đàn trâu ung dung gặm cỏ, lũ trẻ nằm trên thảm cỏ ngắm nhìn đàn chim trên bầu trời chao liệng và nghĩ ra trò chơi mới: Dùng tre vót uốn thành hình con chim đang bay, dùng giấy dán vào khung tre, dùng dây níu thăng bằng rồi thả bay lên trời. Lạ thay cái cánh chim ấy cứ cho dây dài ra bao nhiêu thì chim giấy lại bay cao lên bấy nhiêu. Những cánh chim giấy ấy chính là sự phôi thai của những cánh diều mà ngày nay chúng ta đều biết. Từ chỗ chim giấy ấy chỉ bay được nhưng lại không có tiếng kêu, bọn trẻ lại dùng mảnh gỗ khoét miệng sáo rồi gắn vào hai bên ống tre. Tiếng sáo vi vu, trầm bổng thực sự mê hoặc lòng người...
Muốn biết được diều của ai vừa đẹp, vừa bay cao thì thật khó phát hiện. Vì vậy bọn trẻ rủ nhau kéo về cái gò cao giữa bãi ở đó lại có cây cổ thụ lớn vừa tỏa bóng mát vừa tập chung để quan sát và chấm thi. Chúng rủ nhau kiếm cây que dựng ngay trên gò đất một ngôi miếu nhỏ thể hiện rõ đây là điểm trung tâm giữa trời và đất linh ứng để tất cả mọi cánh diều khi thả phải được kéo về đó. Đám trẻ nói với nhau rằng dựng ngôi miếu này để mỗi ngày trước khi thả diều thì phải vào miếu lễ cầu mong cho diều của mình khi thả được thuận buồm xuôi gió. Và thế là cứ mỗi chiều tà khi ánh nắng nhạt dần trên thảm cỏ thì gió nồm nam thổi nhẹ. Một vùng bãi mênh mông có hàng chục cánh diều to, nhỏ đủ màu sắc cùng nhau bay lượn trên bầu trời. Tiếng sáo vi vu, trầm bổng chẳng những làm cho người có mặt trên bãi vô cùng xao xuyến.
Khi người lớn biết chuyện, cho rằng trẻ con mải chơi nghịch ngợm nên ngăn cản. Ngay sau đó, trời đã không nổi gió, diều thả không lên cao được. Lũ trẻ buồn chán dắt trâu bò về làng sớm, trời lại nổi giông bão, ngôi miếu và cả trâu bò đều biến mất… Dân làng cho rằng tâm nguyện của lũ trẻ đã cảm động đến thần linh, thổ địa ngự giá tại ngôi miếu nhỏ này nên quyết định cho dựng ngôi miếu. Ngày khánh thành miếu, dân làng mở hội thả diều, tế lễ, đánh trống cầu phong, cầu thổ thần trên bãi sông che chở, phù hộ cho dân làng được bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Dân làng cũng quyết định lấy ngày Rằm tháng Ba âm lịch hằng năm là ngày lễ chính thờ thần linh Châu Thổ (còn gọi là miếu Châu Trần).
Khoảng năm 1950, khuôn viên khu vực ngôi miếu thờ thần linh Châu Thổ bị lở do thay đổi dòng chảy sông Hồng. Nhân dân trong làng họp bàn và quyết định di chuyển miếu thờ thần từ ngoài bãi vào trong làng như hiện nay.
... đến di sản văn hóa đặc sắc
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân làng Bá Dương Nội vẫn tiếp tục bảo tồn, phát huy thú chơi diều và Lễ hội thi thả diều truyền thống mỗi dịp tháng Ba hàng năm. Đây là lễ hội thả diều độc đáo duy nhất trên cả nước.
Người dân làng Bá Dương Nội chơi diều quanh năm, chỉ cần thời tiết đẹp, có gió nhẹ, rảnh việc là mang diều ra đồng thả, nhưng vui nhất vẫn là được thả diều vào những chiều hè. Những “tay chơi” lão luyện thường chọn bầu trời đêm bởi khi đó, tiếng sáo diều mê hoặc hơn. Trong không gian đêm huyền ảo, tĩnh lặng, yên bình, tiếng sáo diều vi vu như trải lòng, như tâm tình, tự sự và cũng đầy chất thơ.
Ở làng Bá Dương Nội, gần như ai cũng biết làm diều. Trẻ con làm diều nhỏ, người lớn làm những chiếc diều sải cánh hơn 2m. Tre làm diều thường là những cây tre già có độ cứng, dẻo được phơi khô, vót nhẵn. Cánh diều được người Bá Dương Nội ưa chuộng thường là diều cánh muỗm, cánh chanh, cánh mộc… Việc gắn sáo vào diều cũng có bí quyết riêng, mỗi diều thường từ 1 đến 3 sáo. Nếu chơi “sáo một” thì sáo đó phải kêu to, hồi cực chuẩn mới nghe được; còn với “sáo đôi, sáo ba” (còn gọi là cặp "mẹ - con") thì các sáo phải hòa với nhau theo lối “mẹ gọi - con thưa” mới tạo được âm thanh hay. Không nên gắn nhiều sáo trên một diều bởi dễ tạo âm thanh hỗn độn, không tinh tế…
Những năm gần đây, ngoài các chủ diều trong làng, còn có sự tham gia của các câu lạc bộ diều trong và ngoài thành phố. Theo truyền thống, những cánh diều dự thi dành cho người lớn trên 18 tuổi phải bảo đảm quy định khắt khe: Sải cánh dài 2,2m, đeo 1-3 sáo trở lên, diều lên cao và đứng im nhất. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng có phần thi diều dành cho thiếu nhi - là những chiếc diều nhỏ, sinh động, đẹp mắt và lên cao…
Lễ hội thi thả diều truyền thống của làng Bá Dương Nội góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đây cũng là tiềm năng để địa phương phát triển thành sản phẩm văn hóa. Việc khôi phục, gìn giữ và phát triển trò chơi thả diều ở làng Bá Dương Nội không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hóa mà còn đóng góp thêm một sản phẩm du lịch độc đáo của thủ đô đến với du khách trong và ngoài nước.
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: Hà Nội , Đan Phượng , giá trị , di sản , trò chơi , dân gian
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60587
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam