21/12/2024 13:14:11
Lượt xem: 140
(TITC) - Ngày 13/12/2019 thực hành then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để bảo tồn và phát huy giá trị của then trong đời sống, Lạng Sơn đã gắn di sản với hoạt động du lịch, nổi bật trong đó là Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn) đã và đang khai thác rất tốt di sản thực hành then để phát triển du lịch.
Huyện Bắc Sơn tỉnh Lạng Sơn là nơi có truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc và mang nhiều nét đặc trưng riêng. Sự đặc trưng ấy thể hiện trong văn hóa truyền thống của các tộc người trên địa bàn huyện. Huyện Bắc Sơn hiện có các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao và Mông cùng sinh sống. Trong đó, người Tày có số dân đông nhất trong các dân tộc anh em ở Bắc Sơn, cư trú chủ yếu ở thung lũng Bắc Sơn. Trong xu thế phát triển ngành du lịch như hiện nay, người Tày ở xã Bắc Quỳnh (Quỳnh Sơn cũ) đã tham gia vào hoạt động du lịch. Với ưu thế về cảnh quan và truyền thống văn hóa, điểm du lịch của người Tày ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh) hiện đang là một trong những điểm nhấn được du khách chọn lựa khi đến Bắc Sơn.
Lạng Sơn khai thác rất tốt di sản thực hành then để phát triển du lịch. Ảnh: TITC
Làng Du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn nằm trải dài trên 05 thôn Đon Riệc 1, Đon Riệc 2, Nà Riềng, Thâm Pát và Tân Sơn thuộc xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đây là ngôi làng cổ được thành lập cách nay 100 năm, làng cách thị trấn Bắc Sơn 3km và là 1 mắt xích quan trọng nằm trong chuỗi các điểm tham quan du lịch tại Bắc Sơn. Đây là khu du lịch cộng đồng mới được hình thành trong khoảng thời gian 10 năm trở lại và hiện đang được huyện Bắc Sơn rất quan tâm đầu tư để làm điểm du lịch trọng điểm.
Người Tày ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn hiện còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán và những nét đặc sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần. Hàng năm, đồng bào dân tộc Tày có rất nhiều các lễ tết như Tết nguyên đán, Tết đắp nọi, Tết đoan ngọ, Tết tháng 7, Tết trung thu, Tết cơm mới,… Các lễ tết đều được đồng bào thực hiện theo đúng phong tục cổ truyền và thường có các loại bánh đặc trưng kèm theo trong ngày tết như món bánh gio, bánh rợm, bánh gai, bánh dày, xôi ngũ sắc, bánh chưng đen… Những món ăn này không chỉ là lễ vật dâng cúng thần linh, gia tiên mà còn thể hiện sự tài hoa, khéo léo trong tay nghề chế biến món ăn của người Tày Bắc Sơn. Ngoài các loại bánh, người Tày ở đây còn có các món ăn mang đậm hương vị núi rừng Bắc Sơn như lạp xường ướp gừng đá, giò thủ ướp mắc khén,…
Người Tày ở Bắc Sơn đã và đang đưa di sản thực hành then vào phục vụ du lịch. Ảnh: TITC
Trong đời sống văn hóa nghệ thuật, người Tày ở Bắc Sơn nói chung và làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn nói riêng có rất nhiều các loại hình dân ca, dân vũ đặc sắc. Về dân vũ, người Tày có múa chầu thường được sử dụng trong nghi lễ then, múa tán đàn được sử dụng trong nghi thức tế lễ thần linh tại đình Quỳnh Sơn,…Về dân ca có hát ví, hát phong slư, hát lượn và đặc biệt là hát then. Hát then ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn có cả hát then mới và diễn xướng then tâm linh. Với sự nhạy bén trong việc xây dựng sản phẩm du lịch từ văn hóa, văn nghệ dân gian, người Tày ở đây đã và đang đưa di sản thực hành then vào phục vụ du lịch, bước đầu đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn nằm trong vùng then Bắc Sơn. Do đây là một trong những vùng then tiêu biểu của tỉnh Lạng Sơn nên đã tạo nên nền tảng vững chắc để xây dựng các sản phẩm du lịch từ loại hình nghệ thuật – tâm linh đặc sắc này.
Trong đời sống thường ngày, đồng bào vẫn mời thầy then đến nhà để thực hiện các nghi lễ tâm linh như giải hạn, mừng nhà mới, đầy tháng, cầu tự theo đúng lề lối cổ truyền. Hàng năm, nghệ nhân thực hành then tâm linh tại làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn vẫn đều đặn tổ chức các cuộc đại lễ, trung lễ của nhà then như lễ tiến cốm, lễ tiến hoa quả vào rằm tháng 7, tháng 8, lễ khao mạ vào mùa hoa tháng 3,… Đặc biệt, đại lễ lẩu then vẫn được nghệ nhân thực hiện theo quy định của nghề làm then. Đây là một trong những yếu tố nền tàng rất cần thiết để khai thác các giá trị của thực hành then vào hoạt động du lịch tại làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn.
Đội văn nghệ hát then làng du lịch Bắc Quỳnh. Ảnh: TITC
Cùng với sự hình thành của làng du lịch cộng đồng thì đội văn nghệ hát then làng du lịch Bắc Quỳnh cũng được thành lập với thành viên là các hạt nhân văn nghệ và nghệ nhân thực hành then của xã nhà. Các tiết mục của đội chủ yếu đều là các làn điệu then đã được các nghệ nhân, nhạc sĩ nâng cao, cải biên để đưa lên sân khấu biểu diễn (then mới) và một số trích đoạn nhỏ các khúc then cổ, then tâm linh với nội dung ca ngợi cảnh sắc, con người Bắc Sơn.
Thời gian tới, để khai thác hiệu quả di sản thực hành then trong hoạt động du lịch, làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn cần xây dựng các chương trình ca, múa nhạc có sự kết hợp hài hòa giữa then cổ và then mới, giữa những nghệ nhân biểu diễn và du khách. Bên cạnh hoạt động biểu diễn của các nghệ nhân, có thể xây dựng các tiết mục múa chầu cộng đồng cuối mỗi buổi biểu diễn để du khách có cơ hội được trải nghiệm cùng với các nghệ nhân then. Ngoài ra thiết kế sản phẩm lưu niệm gắn với di sản, qua đó bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản bền vững, lan tỏa rộng rãi hơn đến du khách trong và ngoài nước.
Đội văn nghệ phục vụ khách du lịch. Ảnh: TITC
Sự kết hợp giữa then và du lịch không chỉ mở ra hướng đi mới trong bảo tồn di sản văn hóa truyền thống mà còn tạo điểm nhấn cho hoạt động du lịch của các địa phương có thực hành then. Ngoài ra, việc xây dựng các sản phẩm du lịch từ thực hành then còn góp phần không nhỏ trong việc tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân; nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc chung tay gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: Lạng Sơn , di sản , văn hóa , hát then , du lịch
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60689
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam