22/12/2024 13:40:11
Lượt xem: 283
(TITC) - Làng nghề gốm Bàu Trúc nằm ven Quốc lộ 1A thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), đây được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á. Trải qua hàng ngàn năm, đến nay, nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm ở làng nghề Bàu Trúc vẫn được gìn giữ và phát triển.
Nghệ thuật làm gốm truyền thống Bàu Trúc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: TITC
Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống Bàu Trúc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 11/2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Gốm Bàu Trúc của người Chăm Ninh Thuận mang đặc trưng bởi nhiều nét riêng, từ cách làm cho đến cách nung để có những sản phẩm độc đáo nhất. Do vậy, làng nghề gốm ở Ninh Thuận không chỉ nổi tiếng bởi những sản phẩm chất lượng, mà còn là điểm đến trải nghiệm ấn tượng với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc, đắp nổi mang nét văn hóa Chăm Pa. Ảnh: TITC
Những sản phẩm gốm ở làng được tạo ra bằng kỹ thuật có cái tên rất dân dã “làm bằng tay, xoay bằng mông”. Người thợ gốm đi giật lùi, tay “bắt” từng lọn đất, tay trong thì ép, tay ngoài thì xoa, biến những khối đất vô tri, vô giác thành sản phẩm gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm. Cách nung ở Bàu Trúc vẫn là kỹ thuật nung lộ thiên bằng củi, rơm, trấu…ở nhiệt độ từ 500- 600oC trong vòng 6 giờ, sau đó được lấy ra để phun màu rồi được tiếp tục nung lại trong vòng 2 giờ.
Một trong những công đoạn hoàn thiện sản phẩm gốm. Ảnh: TITC
Hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc, đắp nổi mang nét văn hóa Chăm Pa rõ rệt. Những người thợ hầu như không cần bản vẽ, họ tự do gửi hồn mình vào trong từng nét khắc hoa văn, tạo ra thành phẩm không giống với bất cứ sản phẩm nào khác. Sản phẩm ở làng gốm Bàu Trúc có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, xen lẫn những vệt nâu, đen xám, đấy là những màu đặc trưng kết tinh từ đất, nước qua lửa nung cùng với sự cần mẫn của con người.
Người dân làng Bàu Trúc. Ảnh: TITC
Hiện nay ở làng gốm Bàu Trúc có hàng trăm hộ chuyên làm gốm theo phương thức gia truyền. Theo truyền thuyết, nghề làm gốm do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh dạy cho phụ nữ trong làng từ ngàn xưa. Để tưởng nhớ công ơn của tổ nghề, bà con lập đền thờ tổ chức cúng tế Poklong Chanh vào dịp lễ hội Katê hàng năm.
Đến tham quan làng gốm Bàu Trúc du khách sẽ được chiêm ngưỡng các điệu múa truyền thống rộn ràng trong tiếng trống Ghi Năng, tiếng kèn Saranai hay những bài dân ca Chăm. Ảnh: TITC
Khi đến thăm làng gốm Bàu Trúc, du khách được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân người Chăm say mê sáng tạo gốm hoặc được chính những nghệ nhân hướng dẫn làm một sản phẩm gốm đơn giản mà chỉ chưa đầy một giờ sau là hoàn tất.
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: Làng gốm , Ninh Thuận
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60690
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam