Hành trình chuyển đổi số du lịch - từ xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức cho đến thống nhất hành động

07/07/2025 10:48:02

Lượt xem: 103

Z

(TITC) - Ngành Du lịch Việt Nam nhìn lại chặng đường 65 năm hình thành và phát triển - một chặng đường đầy tự hào về một ngành dịch vụ năng động, phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Trong dòng chảy lịch sử đó, công tác ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số được coi là động lực quan trọng tạo sức đột phá cho du lịch.

Từ những viên gạch đầu tiên…

Cách đây gần 30 năm, vào ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu. Từ đó đến nay ở Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng người dùng Internet.

Lễ khai trương website đầu tiên của ngành du lịch năm 1997

Đối với ngành du lịch, chưa đến 1 tháng sau khi Việt Nam chính thức hòa mạng Internet, ngày 16/12/1997, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch Việt Nam (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã tổ chức khai trương Internet Du lịch Việt Nam với website www.vietnamtourism.com.

Đây là website chính thức đầu tiên của Tổng cục Du lịch Việt Nam (do đơn vị trực thuộc là Trung tâm Công nghệ thông tin du lịch xây dựng) và cũng là một trong số những website đầu tiên của Việt Nam vào thời điểm đó. Du lịch là một trong những ngành đi tiên phong đón đầu xu thế ứng dụng mạng Internet ở Việt Nam. Hệ thống mạng Internet của Tổng cục Du lịch Việt Nam được hình thành, tạo tiền đề cho sự ra đời của các website và cơ sở dữ liệu của Ngành sau này.

Một số sản phẩm CD-ROM giới thiệu du lịch Việt Nam do Trung tâm sản xuất

Bên cạnh xây dựng website, Trung tâm Công nghệ thông tin du lịch (tiền thân của Trung tâm Thông tin du lịch thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam hiện nay) đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ đa phương tiện (Multimedia), xây dựng hàng loạt sản phẩm công nghệ thông tin, quảng bá du lịch tạo được tiếng vang lớn. Tiêu biểu là sản phẩm CD-ROM “Việt Nam” đạt Huy chương Vàng tại Tuần lễ Tin học 1997 và năm 1998 “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đa phương tiện xây dựng các sản phẩm thông tin trên đĩa CD-ROM” đạt giải Ba của Giải thưởng quốc gia về Sáng tạo Khoa học công nghệ (VIFOTEC); đồng thời nghiên cứu, sản xuất các loại bản đồ du lịch gắn với công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS). Đây là nền tảng khoa học để Trung tâm tiếp tục phát triển hệ sinh thái về cơ sở dữ liệu, các website, sản phẩm công nghệ cho ngành du lịch trong những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hỗ trợ quảng bá du lịch Việt Nam.

…Cho đến xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất

Trong 5 năm trở lại đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là tác nhân đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số hơn bao giờ hết. Ngành Du lịch Việt Nam là một trong những ngành tiên phong nắm bắt xu hướng, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thích ứng linh hoạt, nhanh chóng chuyển đổi hoạt động sang môi trường số phát triển bền vững hơn.

Xây dựng thể chế, chính sách cho chuyển đổi số du lịch

Trong lĩnh vực du lịch, Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã tham mưu Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ ban hành "Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025" theo Quyết định 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018. Trong đó xác định phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh phù hợp với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Sơ đồ tổng quan hệ sinh thái chuyển đổi số trong ngành du lịch

Trên cơ sở đề án này, ngành du lịch đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ hỗ trợ khách du lịch như cung cấp thông tin điểm đến, sản phẩm, phát động các chiến dịch quảng bá qua mạng xã hội, các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, phát triển ứng dụng thông minh hỗ trợ khách, từng bước xây dựng điểm đến du lịch thông minh, nghiên cứu áp dụng công nghệ mới như thực tế ảo, thực tế tăng cường, chuẩn hóa công tác thống kê du lịch qua phần mềm trực tuyến, tăng cường đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số cho nhân lực trong ngành...

Có thể nói trong giai đoạn này, với những tác nhân từ bối cảnh bên ngoài, sự định hướng đúng đắn của cơ quan quản lý, nhận thức chung của ngành du lịch về chuyển đổi số đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, tạo tâm thế và động lực quan trọng cho sự chuyển mình của ngành du lịch trong thời kỳ mới.

Sau đại dịch Covid-19, để giúp ngành phục hồi và phát triển trong tình hình mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm du khách. Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới yêu cầu các địa phương triển khai chuyển đổi số du lịch đồng bộ với nội dung chuyển đổi số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện. Rõ ràng rằng, chủ trương nhất quán của Chính phủ là phải hình thành hệ sinh thái đồng bộ, thống nhất để tránh manh mún, "trăm hoa đua nở", lãng phí nguồn lực, tạo sự liên thông, đồng bộ về mặt dữ liệu.

Những chính sách thuận lợi phát triển chuyển đổi số trong du lịch sẽ góp phần thúc đẩy ngành phát triển (Ảnh minh họa. Nguồn: TITC)

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là một trong "bộ tứ trụ cột" mà Bộ Chính trị ban hành để đưa nước ta vững vàng bước vào kỷ nguyên mới. Nghị quyết 57 nêu rõ quan điểm chỉ đạo “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”.

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết 57 đặt ra đến năm 2030 là “Quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu. Phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số đạt mức cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu”. Đây cũng là định hướng chung đối với ngành du lịch khi yêu cầu nhiệm vụ đặt ra về sự liên thông, đồng bộ và an toàn về cơ sở dữ liệu là đặc biệt cấp thiết.

Kiến tạo hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất

Với vai trò là đơn vị đầu mối của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam về đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, Trung tâm Thông tin du lịch đã tập trung phát triển Hệ sinh thái du lịch thông minh hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm Thông tin du lịch đã tập trung phát triển và đưa vào vận hành các nền tảng số dùng chung trong ngành du lịch để tạo sự tập trung, đồng bộ về dữ liệu, gồm có:

Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam: phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương, với nhiều cơ sở dữ liệu thành phần như doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, khu/điểm du lịch...

Phần mềm báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở: hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch thực hiện báo cáo thống kê theo quy định tại các Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”: đây là nền tảng số tích hợp đa dịch vụ nhằm hỗ trợ toàn diện du khách với nhiều tiện ích như: tra cứu thông tin du lịch, bản đồ số du lịch, đặt vé máy bay, đặt phòng, mua vé tham quan, mua sắm hàng hóa, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan chức năng...

Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minhđược phát triển với công nghệ hiện đại, an toàn, bảo mật, hỗ trợ du khách giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn, thuận tiện, nhanh chóng theo chủ trương chung của Chính phủ. Thẻ còn được tích hợp trên ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” để tạo thuận lợi nhất cho du khách thực hiện giao dịch, thanh toán.

Ứng dụng “Quản trị và Kinh doanh du lịch”: hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kết nối với khách hàng, thiết lập điểm chấp nhận thanh toán trực tuyến, cung cấp sản phẩm, kết nối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch.

Hệ thống vé điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: TITC)

Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”: được thiết kế để áp dụng tại các điểm tham quan, khu di tích, khu vui chơi giải trí có bán vé. Hỗ trợ các điểm tham quan kiểm soát tối ưu quy trình quản lý vận hành bán vé, soát vé; tạo thuận lợi hơn cho du khách khi đến mua vé vào cửa giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi; hỗ trợ hướng dẫn viên khi đưa khách đến tham quan, nhất là các đoàn khách đông chỉ cần 01 vé duy nhất cho cả đoàn, đồng thời xuất hóa đơn điện tử...

- Hệ thống Thuyết minh đa phương tiện (Multi-media Guide): được thiết kế để có thể áp dụng cho tất cả điểm du lịch, di tích, bảo tàng… có nhu cầu thuyết minh giới thiệu thông tin cho khách tham quan. Sản phẩm này được tích hợp trên ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”.

Để đưa các nền tảng này vào trong cuộc sống, thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch đã tập trung hỗ trợ tập huấn cho các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương cùng các doanh nghiệp, hiệp hội, điểm đến, cộng đồng du lịch trên địa bàn triển khai các hoạt động chuyển đổi số, áp dụng các nền tảng dùng chung của ngành, ký kết ghi nhớ hợp tác chuyển đổi số du lịch với các địa phương… Đồng thời, Trung tâm đã xây dựng và phổ biến tài liệu “Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành Du lịch” nhằm tạo thuận lợi, đồng bộ cho các địa phương trong triển khai áp dụng. Qua thực tiễn triển khai đã cho thấy nhu cầu lớn của các địa phương, doanh nghiệp về sự hỗ trợ, kiến tạo của Nhà nước về chuyển đổi số. Sự ra đời các nền tảng số dùng chung là nhu cầu khách quan, đáp ứng hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với phát triển ngành du lịch.

Nhìn về tương lai: Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Kết nối liên thông

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng toàn ngành sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của các cấp, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số phục vụ quản lý nhà nước và xúc tiến quảng bá du lịch.

Bên cạnh việc hoàn thiện và duy trì các nền tảng số dùng chung trong ngành, Trung tâm Thông tin du lịch sẽ tham mưu Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chuyên ngành, nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá ở trong và ngoài nước, hỗ trợ tối ưu trải nghiệm của du khách...

Một nhiệm vụ trọng tâm nữa là tập trung phát triển cơ sở dữ liệu ngành du lịch với các dữ liệu thành phần như doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, hướng dẫn viên, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở vui chơi giải trí, số liệu thống kê du lịch... Đồng thời, kết nối liên thông dữ liệu, liên thông nền tảng giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực liên quan như thương mại, nông nghiệp, đường sắt, hàng không, y tế, khoa học công nghệ,... để tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, chỉ đạo điều hành, hoạch định chính sách phát triển du lịch với đặc thù là một ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Trung tâm Thông tin du lịch

Thẻ bài viết: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam , Trung tâm Thông tin du lịch , ngành du lịch , 65 năm , thành lập ngành , chuyển đổi số , hệ sinh thái , nền tảng số , đồng bộ

Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/63718

x
khach du lich img
Du khách
Đăng ký
Đăng nhập
cty du lich img
Nhà cung cấp dịch vụ
Đăng ký
Đăng nhập

Tiêu chí tham gia Trang vàng
Du lịch Việt Nam

1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf

2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai

4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch

5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch

6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam

x
khach du lich img
Du khách
Thông báo
Mã thẻ của bạn chưa được kích hoạt.
Bạn có muốn kích hoạt mã thẻ?
Hủy
Đồng ý

Thông báo

Thông tin nhập không hợp lệ hoặc không có tài khoản trùng khớp. Vui lòng kiểm tra lại

Chưa có Thẻ du lịch?

Quên mật khẩu
Quên mật khẩu

ĐĂNG KÝ THẺ DU LỊCH:

thẻ việt
Tổng đài hỗ trợ người dùng:
x
khach du lich img
Lấy lại mật khẩu

x
ic ctydulich
Nhà cung cấp dịch vụ

Nhập mã OTP đã gửi về Số điện thoại/Email đăng ký

Quên mật khẩu
x
x
qr code